Lượt xem: 1121

Nông dân Phan Văn Luân thành công từ mô hình đa canh

Trong thời buổi kinh tế hội nhập, nhiều nông dân Sóc Trăng luôn tìm tòi, học hỏi những mô hình hiệu quả để phát triển kinh tế trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình, nhằm tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế gia đình. Mô hình đa canh của ông Phan Văn Luân, ở ấp Mỹ Lợi A, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú là một điển hình như thế.

    Khi sinh ra và lớn lên, hơn 60 năm gắn bó với ruộng đồng, ông Phan Văn Luân thấu hiểu những gian truân mà người nông dân phải trải qua. Ông nhận ra rằng, hạt lúa chỉ có thể giúp nông dân ổn định cuộc sống, nhưng để vươn lên làm giàu thì phải kết hợp với nhiều mô hình khác. Với hơn 4 hecta đất lúa, ông đã linh hoạt tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn để trồng nấm rơm trên kệ trong trại. Trại được làm bằng tre, phía trên có bố trí hệ thống đèn để tạo độ ẩm cần thiết cho nấm rơm phát triển. Lợi thế của mô hình trồng nấm trong trại là quản lý được độ ẩm, không phụ thuộc vào thời tiết. Do trồng trong nhà nên nấm rơm trắng đẹp và bán được giá cao. Ông Phan Văn Luân chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng mình bám vào ruộng lúa thì chỉ đủ ăn chứ không có dư. Vì vậy khi xem trên tivi, đọc báo mà thấy mô hình nào hay, phù hợp với điều kiện gia đình thì tôi làm ngay, nhờ làm nhiều, mỗi cái thu nhập một chút gộp lại thành nhiều nên mới có dư".

Nông dân Phan Văn Luân thành công từ mô hình đa canh. Ảnh Đoan Trang

    Có thế mạnh về hệ thống ao, hồ, nhưng từ lâu chưa phát huy được hiệu quả, nên ông Luân đã mạnh dạn xây dựng hệ thống ao kiên cố với bờ bao chắc chắn để nuôi gần 4.000 con ba ba mỗi năm. Theo ông Luân, ba ba rất dễ nuôi nên các thành viên khác trong gia đình có thể phụ giúp, bởi vì nuôi ba ba chỉ cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp, vào sáng sớm hoặc chiều tối, lúc này thời tiết mát mẻ, ba ba có thể ăn nhiều và nhanh chóng đạt trọng lượng mong muốn. Sau 6 tháng nuôi, mỗi con đạt gần 1 kg, với giá bán từ 140.000 - 190.000 ngàn/kg tùy theo kích cỡ đã mang về nguồn thu nhập khá cho gia đình.

    Ông Phan Văn Luân nói thêm: "Nhiều lúc tôi làm dịch vụ nông nghiệp, phải đi đồng này đồng khác, nuôi ba ba thì ở nhà làm phụ nên không có lo, tới giờ thì ra cho ăn, thấy vậy chứ mau lớn lắm, loay hoay là tới đợt thu hoạch".

    Ngoài ra, ông Luân còn tận dụng đất trống quanh nhà trồng chanh không hạt, bao lưới thả gà, nuôi bò,... Ông Luân cho rằng: Nông dân thì phải cố gắng lao động sản xuất, không ngại khó khăn, thử thách.

    Nhờ thực hiện mô hình đa canh mà mỗi năm ông có nguồn thu nhập gần 800 triệu đồng. Khi cuộc sống ổn định, ông Luân còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhiều nông dân khác ở địa phương để cùng phát triển.

    Đồng chí Huỳnh Tuấn Kiệt - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú nhận xét: "Anh Phan Văn Luân là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Anh là nông dân điển hình tiêu biểu ở địa phương vì sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên thực hiện nhiều mô hình mang lại kinh tế cao. Nhiều nông dân cũng đã học hỏi theo Anh Luân để phát triển sản xuất vươn lên làm giàu".

    Bằng đôi bàn tay lao động chân chính, cùng với sự năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, mà những người nông dân nhạy bén để vươn lên làm giàu như ông Phan Văn Luân đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở địa phương, tạo nên diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Đoan Trang


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 9091
  • Trong tuần: 76,411
  • Tất cả: 11,860,600